Thế nào là pháp "táo bón"

Thế nào là pháp táo bón?
Những cái gọi là keo kiệt, rít nóng, bỏn xẻn khi mà nó đã len lỏi vào tâm rồi thì nó sẽ làm cho các pháp lành bị teo tóp lại, khô rúm lại; lâu ngày chầy tháng thì những mầm xanh, những hạt giống lành cũng bị tiêu hoại luôn. Thế rồi, tâm ảnh hưởng đến thân, tác động toàn bộ tế bào, khí huyết trong một chừng mực nào đó sẽ tạo duyên cho sự táo bón kinh niên, vón cục, vón hòn và cả đường ruột nữa đấy!
Cả hội chứng phì cười.

Đức Phật cũng cười rồi ngại lại tiếp tục giảng nói như nước chảy mây trôi:
 Thế nào là pháp có mùi hôi?
Đấy là những người không có giới đức, sống trược hạnh, làm ác hạnh mà muốn lập tông, lập phái, làm đạo sư, làm chân sư, làm giảng sư rồi thuyết giáo lung tung, huyên thuyên nơi này và nơi khác, tưởng mình là trung tâm của vũ trụ, tưởng mình là ngôi sao lóe sáng giữa trời cao; thì lời nói ấy, pháp ấy, luôn tỏa mùi hôi, mùi ác uế, mùi thô trược nên phải tránh xa, không nên thân cận, gần gũi...

Thế nào là pháp nhuận trường?
Pháp nhuận trường chính là những pháp bố thí, xả, ly tham. Người nào thực hành những pháp này thì tâm người ấy luôn được trôi  chảy dịu dàng, thông thoáng, không có bị dính mắc bởi một chấp thủ sở hữu nào. Khi tâm được buông xả như thế thì thân cũng được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng; tất cả thần kinh, khí huyết, mọi tế bào đều được vận hành điều hòa, bình ổn. Đấy còn được gọi là pháp hỷ, pháp lạc được tẩm mát, tràn đầy thân tâm, có lợi cho sức khỏe, có lợi cho sự tiêu hóa, có lợi cho sự xả ly tối thượng.
 
Thế nào là pháp có vị đắng? 
Pháp có vị đắng là những lời nói chân chánh, ngay thật, đúng đắn của các vị trưởng lão vô lậu, của thiện bạn hữu, thiện thân tình khi khuyên ta từ bỏ một vài thói hư tật xấu...Đôi khi lời nói ấy quá trực tính, khó nghe hoặc đụng chạm đến tự ái, bản ngã của ta nên rất khó ăn, khó nuốt vì nó đắng quá. Nhưng chính nhờ thuốc đắng mới chữa trị được nhiều căn bệnh. Vậy, thuốc đắng ấy mới cần thiết hơn những lời nói ngọt ngào, đường mật, êm tai, thỏa dạ để có thể mua chuộc lòng người trong một mưu đồ, mưu cầu vị kỷ nào đó; các thầy phải thấy rõ, biết rõ như vậy.

Thế nào là pháp có vị độc? 
Người có bụng dạ độc ác thường được ví như cọp beo, như rắn rít. Vậy, các trạng thái tâm như độc ác, hận thù, bạo tàn, hung dữ... là những thứ đại độc có thể đưa ta xuống địa ngục đồng sôi, địa ngục chảo dầu. Ngay chính những vị độc nhẹ hơn như bực tức, nóng nảy, giận hờn, ganh ghét, đố kỵ cung đừng nên để chúng dính vào tâm, nguy hiểm lắm đó.
 
Thế nào là pháp có mùi thơm?
Người nào có giới, có định, có tuệ thì pháp của họ luôn tỏa ra mùi thơm. Người có giới, định, tuệ, thì dù họ nói hay, nói dở, nói ngắn, nói dài, nói dịu dàng, nói gay gắt, nói lắp bắp, nói ngọng ngịu gì chăng nữa thì pháp ấy cũng đều thơm tho, ngọt ngào cả. Như bản chất của chiên đàn đỏ, chiên đàn vàng... thì du quăng vất đâu, đốt xuôi, đốt ngược, và cho dù thành khói, thành tro nó cũng tỏa hương nồng đượm.

Thế nào là pháp có gai và pháp không gai?
Đấy ám chỉ những pháp còn dính mắc gai nè kiết sử và những pháp không còn dính mắc gai nè kiết sử. Ví như một đốt tre có 10 lóng dính mắc gai rườm rà, ám chỉ cho tâm chúng sanh đang đầy rẫy tham sân si, tà hạnh, trược hạnh. Trên lộ trình tu tập, họ cắt, họ gỡ lần lần những gai, những mắt ấy đi. Nếu cắt được 3 mắt thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ thì họ bắt đâu đi vào dòng giải thoát. Làm nhẹ, trẩy sơ sơ hai mắt kế là tình dục và bất bình thì họ đi vào dòng giải thoát thứ 2. Nếu làm sạch luôn 2 mắt ấy thì họ đi sâu vào dòng giải thoát thứ 3. Nếu cắt luôn, làm sạch luôn năm mắt cuối là sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh thì họ đã là một vị A La Hán, đã làm xong những việc cần làm trên đời.
 
Cuối cùng, thế nào là pháp mau thối rữa và pháp lâu hư mục?
Này các tỳ khưu! Đây là ám dụ cho những pháp hữu vi, được cấu tạo, do duyên sinh dù vật chất hay tinh thần.
Những pháp hữu vi mau thối rữa chính là những ham muốn thân xác hạ liệt, ô uế; vì chúng mau đưa đến sự nhàm chán, ghê tởm, dơ dáy sớm bốc mùi hôi. Nói rộng hơn thế nữa là tất thấy những dục vật chất qua mắt, tai, mũi, lưỡi thân thuộc dục giới chúng đều cùng thuộc tính là mau chán, mau nhàm và hằng đưa đến khổ đau, phiền não thô tháo.
 
Còn thế nào là pháp lâu hư mục?
Đây là những ham muốn, những thỏa mãn về tinh thần. Tuy nó nhẹ nhàng hơn, thanh lương hơn, lâu dài hơn nhưng vẫn đưa đến những ràng buộc, những phiền não vi tế. Nói rộng ra, ngay chính những sắc ái, vô sắc ái, những cảnh giới thiền định này cũng rơi vào định luật trên, tuy có vẻ lâu bên nhưng cũng không chắc thật, chỉ do tưởng sinh, do tưởng thành mà thôi.
 
Này các tỳ khưu! Vì thấy ba cảnh giới dục, sắc và vô sắc le hệ lụy, thống khổ, là hữu vi sanh diệt, là căn nhà lửa nên Như Lai mới công bố pháp giải thoát, pháp siêu xuất ngoài ba cõi ngay chính trong đời sống này, ngay hiện tại này cho những ai có tai muốn nghe, có trí muốn tìm hiểu.
 
Bài pháp giản dị, cụ thể, vô cùng vi diệu của đức Phật vừa chấm dứt thì đất trời, núi rừng đã đi vào hoàng hôn.....
Trích " Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt 4" Tỳ Khưu Giới Đức