Tình Thương Chim Hạc
Phía Tây Hoàng Thành có một tòa lâu đài, nơi triều đình để dành để tiếp đức vua Suppabudda, hoàng hậu Amita Pamita vốn là em ruột của đức vua Suddodana - mỗi khi từ nước Koliya sang chơi. Tháp tùng với phái đoàn bao giờ cũng có thái tử Devadatta và công chúa Yosadhara cùng khá nhiều vương tôn, công tử khác. Thế là đám nam nữ cành vàng lá ngọc của hai nước Sakya và Koliya lại có dịp chuyện trò, trao đổi kiến thức, du sơn ngoạn thủy.
Ngày kia, vào mùa xuân, một đàn hạc trắng từ phương Nam về Himalaya bay ngang thượng Uyển. Devadatta trông thấy giương cung bắn. Mũi tên hung tàn xé gió vút lên không, một thân chim chao đảo sa xuống đất, máu đào nhuộm thắm cả lông. Siddathaa trông thấy vội vàng đến nâng chim lên, nhè nhẹ rút mũi tên ác nghiệt, hái lá cây tươi hòa với mật ong, đắp lên vết thương.
Một lát sau, Devaddatta chạy đến, đòi lại chim, viện cứ chim do y bắn được. Siddattha không chịu đưa, dịu dàng nhưng cương quyết nói rằng: '"Người bảo vệ sự sống có quyền giữ con chim bị thương hơn là kẻ hủy diệt sự sống".
Không ai thắng ai, hội đồng trưởng lão hai dòng họ phải họp lại phân xử, Cuối cùng, ai cũng xác quyết sự sống quý báu và có giá trị hơn nên Siddhattha được quyền giữ chim. Thế là Siddhattha hớn hở mang chim về, tận tình chăm sóc. Không lâu sau chim lành. Siddhattha đi đâu, hạ đi theo đấy, đôi khi nép bên chân ngài với sự an tâm, trìu mến và cả lòng tín cẩn.
Vào mùa thu, khi đàn hạc trốn lạnh, rời Himaylaya tìm nắng ấm phương nam, lại một lần nữa bay ngang thượng uyển. Thái Tử mang chim ra vườn, vuốt ve, âu yếm, nhìn đàn chim trời nới rằng:
- Hỡi con! Có hội ngộ ắt có biệt ly. Tháng ngày nương náu bên ta, con đã có đủ sức khỏe để hôm nay trở về với bầy bạn. Ta rất yêu thương con, nhưng không thể vì tình yêu vị kỷ ấy mà giữ con lại trong khu vườn chật chội này. Ta sẽ trả cho con về với không rộng trời cao, với ngày tháng tự do, với quyến thuộc xa cách bấy lâu.
Siddhattha với hai tay nâng hạc lên cao. Hạc chớp chớp đôi mắt, dụi đầu vào lòng tay thái tử, lượn quanh ba vòng, kêu to lời từ biệt rồi vỗ cánh theo đàn về phương trời xa tít. Thái tử đăm đăm nhìn theo, vừa sung sướng vừa bùi ngùi: Một nỗi niềm khôn tả.